TRUNG QUỐC – THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG CHO PHILÊ CÁ TRA VIỆT NAM
Việt Nam đang thuyết phục Trung Quốc nhập khẩu philê cá tra. Tại Trung Quốc, doanh số bán hàng đang tăng trưởng nhanh tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, thông qua các kênh trực tuyến như sàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc Alibaba.
Việt Nam đang thuyết phục Trung Quốc nhập khẩu philê cá tra
Sự đón nhận này của người tiêu dùng Trung Quốc đòi hỏi một bước thay đổi trong hành vi mua sắm của họ. Trung Quốc vốn là một quốc gia với nguồn nhân công giá rẻ và chuyên tái chế cá nguyên con để bán cho các nước khác. Do đó, bất đắc dĩ lắm Trung Quốc mới mua philê cá từ các nước khác.
Tuy nhiên, mọi chuyện đang thay đổi.
“Cá tra là sự lựa chọn hàng đầu cho người tiêu thụ Trung Quốc. Trước đây, Việt Nam chỉ xuất khẩu cá tra nguyên con tới một số tỉnh biên giới phía nam Trung Quốc, nhưng hiện nay sản phẩm philê cá tra đã có mặt tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Đại Liên. Nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ còn cao hơn nữa”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết.
Sự phổ biến ngày càng tăng của philê cá tra Việt Nam tại Trung Quốc đến vào thời điểm thích hợp. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam đang phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao hơn so với kết quả sơ bộ được Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố trước đó.
DOC trước đó dự kiến áp thuế với các công ty riêng lẻ với mức thuế dao động trong khoảng 0 – 1,37 USD/kg. Tuy nhiên trong phán quyết ngày 27/4/2019, doanh nghiệp bị áp mức thuế ít nhất là 1,37 USD/kg và doanh nghiệp chịu mức thuế cao nhất lên tới 3,87 USD/kg.
Phán quyết này đã gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tại thời điểm đó, những người cũng rõ liệu Mỹ có áp thuế cho sản phẩm cá rô phi xuất khẩu của Trung Quốc như một phần của cuộc chiến thương mại giữa hai nước.
Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong nước đang được hưởng lợi từ sự rạn nứt thương mại Mỹ – Trung với việc các nhà nhập khẩu lớn chuyển sang nhập khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam, loại cá này đã được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng và chấp nhận.
Trong khi đó, các công ty thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBCSL) đã chuyển sang nuôi cá tra trong thời gian gần đây do sự giảm nhập khẩu trên thị trường tôm toàn cầu.
“Các trang trại nuôi cá tra phát triển mạnh ở gần các con sông với độ sau ít nhất 4m”, ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch công ty cổ phần thủy sản NTSF, nhận định.
Thị trường Trung Quốc với cơ hội lớn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm và thương mại tiểu ngạch, ông Ích cho biết thêm.
Cơ sở chế biến philê cá tra rộng lớn của NTSF đã được chứng nhận và phê duyệt để tiêu thụ tại thị trường Mỹ.
Giải quyết khó khăn
Việt Nam là nhà sản xuất cá tra lớn nhất thế giới, với sản lượng đạt 1,25 triệu trong năm 2017 và tăng lên đến 1,33 triệu tấn trong năm 2018. Ấn Độ là nước xuất khẩu lớn thứ hai với sản lượng 540.000 tấn trong năm 2018, tiếp theo là Bangladesh với 455.000 tấn và Indonesia với 110.000 tấn.
Cá tra Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc chinh phục thị trường Mỹ. Tuy nhiên, việc xuất khẩu sang thị trường này cũng giúp doanh nghiệp tạo sự tin tưởng và xây dựng mối quan hệ. Ngược lại thị trường Trung Quốc không yêu cầu chứng nhận và việc kinh doanh thường được tiến hành qua thư điện tử chứ ít khi tiến hành trực tiếp, ông Ích cho biết.
Một số nhà sản xuất cá tra Việt Nam đã bị từ chối cấp thị thực nhập cảnh Mỹ để tham dự triển lãm hải sản Bắc Mỹ năm nay, tại Boston, Massachusetts, khiến việc thâm nhập vào thị trường trọng điểm này càng trở nên khó khăn hơn.
Trung Quốc đang nhanh chóng theo kịp EU với tư cách là nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, khi nhập khẩu đạt gần 5 triệu tấn thủy sản năm 2018, theo Rabobank.
“Cá tra là một sự lựa chọn thực sự tốt dành cho những khách hàng Trung Quốc những người đang tìm kiếm các sản phẩm cá thịt trắng phi lê”, ông Hòe cho hay.
Một trong những thách thức phải vượt qua đó là tạo niềm tin cho khách hàng Trung Quốc mua sản phẩm philê thay vì cá tra nguyên con.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng từ 3.471 USD trong năm 2008 lên 8.827 USD trong năm 2017. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng từ 1.143 USD lên 2.342 USD trong cùng thời điểm. Điều đó cho thấy chi phí lao động của Việt Nam hiện nay rẻ hơn nhiều so với Trung Quốc.
Điều này nghĩa là các doanh nghiệp cá tra ĐBSCL đang bán cá với giá cạnh tranh hơn sang thị trường Trung Quốc.
“Trước đây người Trung Quốc sử dụng cá nguyên con, nhưng bây giờ lại nhập khẩu cả philê cá. Nguồn cung có thể sẽ tăng lên”, ông Hòe nhận định.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng