TRUNG QUỐC SIẾT CHẶT ĐƯỜNG TIỂU NGẠCH, XUẤT KHẨU TÔM LAO DỐC
Kim ngạch xuất khẩu tôm sang Trung Quốc chỉ tăng trưởng trong quí I, các tháng còn lại (tính đến tháng 11/2018) đều ghi nhận mức giảm tới hai con số, đồng thời là thị trường sụt giảm mạnh nhất.
Vì đâu xuất khẩu tôm sang Trung Quốc lao dốc
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), trái với xu hướng của năm 2017 với mức tăng trưởng gần 60%, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2018 sụt giảm mạnh.
Trung Quốc đã tụt từ vị trí thứ 3 xuống vị trí thứ 4 trong số các thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam với tỉ trọng chiếm 14%.
Chịu áp lực cạnh tranh, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc ‘lao dốc’. (Ảnh minh họa)
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc chỉ tăng trưởng trong quí I, các tháng còn lại (tính đến tháng 11/2018) đều ghi nhận giảm tới hai con số, đồng thời là thị trường sụt giảm mạnh nhất.
11 tháng đầu năm 2018, kim ngạch chỉ đạt 449,8 triệu USD, giảm tới 29,5% so với cùng kì năm 2017. Trong đó, tôm sú chiếm tỉ trọng 64,7% còn tôm thẻ chân trắng chiếm 30,8%.
Trong khi xuất khẩu tôm sú sang Trung Quốc 11 tháng đầu năm 2018 tăng 14% thì tôm chân trắng giảm 43% so với cùng kì năm ngoái.
Nguồn: VASEP
VASEP cho hay Trung Quốc giảm mua vào vì tồn kho nhiều từ năm ngoái và giá tôm giảm nên thị trường này tạm dừng trước khi thực hiện các đơn hàng lớn. Hơn nữa, quốc gia này ngày càng siết chặt hoạt động xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch nên hoạt động xuất nhập khẩu tôm sang quốc gia này cũng có phần bị ảnh hưởng.
Cạnh tranh với các quốc gia khác
Theo VASEP, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 6 trên thế giới, chiếm 3,5% tổng NK tôm của toàn thế giới năm 2017. Nhu cầu nhập khẩu tôm để tiêu thụ trong nước và chế biến tái xuất của nước này vẫn ổn định.
Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia
Tại thị trường đầy hấp dẫn này, Việt Nam đang phải cạnh tranh với các đối thủ khác đến từ châu Á như Thái Lan (thị phần đạt 16,1%), Ấn Độ (9,7%) và Indonesia (2%).
Trang Economic Times dẫn báo cáo của Cơ quan Xếp hạng Thông tin và Tín dụng Ấn Độ (ICRA) cho biết, nhu cầu tôm của Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong khi năng lực sản xuất trong nước vẫn còn yếu.
Cùng lúc đó, nếu những thỏa thuận về thương mại giữa hai nước Ấn Độ và Trung Quốc được thông qua sẽ là những yếu tố tích cực thúc đẩy xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh.
Arab Saudi
Ngoài ra, Arab Saudi cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Trung Quốc. Theo tờ Undercurentnews, hôm 30/12/2018, công ty thủy sản Trung Quốc Tianjin Seaworld International Group đã nhận được giấy thông quan từ cảng Thiên Tân đối với lô hàng nhập khẩu tôm đông lạnh nguyên đầu từ Arab Saudi.
Theo tờ Seafood Guide: “Trước đây, tôm của Arab Saudi thâm nhập vào Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, sau chiến dịch chống buôn lậu của Trung Quốc diễn ra vào 6 tháng cuối năm 2018, nhiều nhà nhập khẩu nội địa đã tích cực xúc tiến nhập khẩu tôm của Arab Saudi qua đường chính ngạch”.
Ecuador
Ecuador, quốc gia xuất khẩu tôm lớn thứ ba thế giới, cũng không bỏ lỡ thị trường này. Nước này đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang các thị trường châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc…nhờ sự nổi lên của tầng lớp trung lưu ở các thị trường này, đặc biệt là Trung Quốc. Kèm theo đó, sản lượng tôm nuôi nội địa của Trung Quốc không thể đáp ứng nhu cầu ngày một tăng.
Đáng chú ý, kim ngạch tôm Ecuador xuất khẩu sang Trung Quốc tăng gấp ba lần. Cụ thể, theo VASEP, trong 8 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu tôm Ecuador sang Trung Quốc tăng 368% về giá trị và tăng 406% về khối lượng, đạt 362 triệu USD và 62.650 tấn.
Trung Quốc cũng là động lực tăng trưởng chính cho xuất khẩu tôm Ecuador trong năm 2019
VASEP cho hay, Ecuador có thể nuôi tôm quanh năm không có giai đoạn nghỉ và sở hữu nguồn giống chất lượng tốt với khả năng kháng bệnh. Nước này chủ trương thả nuôi tôm với mật độ thấp trên diện tích ao nuôi lớn để giảm thiểu dịch bệnh và tận dụng mọi lợi thế để giảm chi phí đầu vào trong nuôi tôm.
Đức Quỳnh
Theo Kinh tế & Tiêu dùng