THUẾ PHI LÝ, CÁ TRA BỊ LÀM KHÓ Ở THỊ TRƯỜNG MỸ
Việt Nam có 62 doanh nghiệp (DN) cá tra đủ chuẩn xuất khẩu vào Mỹ nhưng phần lớn không thể xuất khẩu vì thuế chống bán phá giá phi lý.
“Cụ thể, bị đơn bắt buộc là Công ty NTSF Seafood và 4 bị đơn tự nguyện là C.P Vietnam; CL-FISH; GREEN FARMS SEAFOOD và VINH QUANG CORP cùng bị mức thuế 1,37 USD/kg, cao hơn nhiều so với kỳ vọng của các DN. Đặc biệt, Công ty CP Hùng Vương – bị đơn bắt buộc gặp khó khăn nhất khi bị áp thuế đến 3,87 USD/kg, trong khi công bố sơ bộ chỉ 0 USD/kg, mức thuế này xấp xỉ giá bán cá tra sang thị trường Mỹ, tương đương gần 100% giá trị cá tra là điều rất phi lý. Thực tế, nhà nước Việt Nam không hề trợ giá cho cá tra nên mức thuế hợp lý phải là 0% cho tất cả DN” – ông Quốc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Quốc, dù Mỹ cấp phép nhập khẩu cho 62 DN cá tra Việt Nam nhưng những năm qua, chỉ vài DN như: Vĩnh Hoàn, Biển Đông,… không chịu thuế chống bán phá giá hoặc thuế suất thấp có xuất khẩu hàng sang Mỹ. Đây đều là những DN cá tra lớn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Ông Quốc nhận định với thuế cá tra mà Mỹ vừa công bố, sẽ khó có thêm DN khai thác được thị trường này. Dự báo cá tra khó khăn không chỉ ở thị trường Mỹ mà nhiều thị trường khác do thế giới xuất hiện thêm nhiều nguồn cung mới.
Đầu bếp nước ngoài chế biến cá tra tại gian hàng của Công ty CP Vĩnh Hoàn – DN lớn xuất khẩu cá tra sang Mỹ
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo trong quý 2 – 2019, xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ tiếp tục giảm. Trước đó, trong thời gian chờ phán quyết thuế giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã giảm 22,8% (tháng 2) và 44,4% (tháng 3) so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc là thị trường lớn của cá tra Việt Nam cũng nằm trong xu thế giảm trong quý 1- 2019.
Năm 2018, cá tra xuất khẩu được hơn 2,25 tỉ USD, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, tăng trưởng hơn 25% so với năm 2017. Mỹ là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam (24,3%), tiếp theo là Trung Quốc (23,4%), EU (10,8%)…