THU MUA, CẤP ĐÔNG THỊT HEO CHỐNG THIẾU NGUỒN CUNG DO DỊCH ASF KHÔNG DỄ
Thứ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ ra ba khó khăn lớn trong việc thu mua, cấp đông thịt heo trong đó nổi bật là nhu cầu của người tiêu dùng đối với mặt hàng này vẫn chưa nhiều, gây tâm lí e ngại cho doanh nghiệp.
Ba khó khăn lớn
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kì tháng 5 diễn ra chiều ngày 31/5, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề thu mua thịt heo sau đó cấp đông để ổn định thị trường trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi (ASF) diễn ra phức tạp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đây cũng là chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng thông tin, ngày 30/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cùng với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan và các doanh nghiệp đã tổ chức cuộc họp bàn về phương án thu mua thịt sau đó cấp đông. Tuy nhiên, việc này còn tồn động ba khó khăn lớn.
Đầu tiên, khả năng cấp đông khối lượng thịt lớn trong thời gian dài của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế về nguồn lực, cơ sở hạ tầng và tài chính.
Thứ hai, nhiều cơ sở giết mổ chưa đạt yêu cầu và tiêu chuẩn của các cơ sở thu mua, cấp đông. Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 380 cơ sở giết mổ tập trung trong khi có tới hơn 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung nhiều ở đồng bằng Sông Hồng.
Cuối cùng, nhu cầu, thói quen thịt cấp đông của người tiêu dùng vẫn chưa cao. Trong khi đó, mặt hàng thịt đông lạnh lại được các doanh nghiệp chế biến thực phẩm nhập khẩu để làm nguyên liệu đầu vào thay vì dùng trong nước. Do đó, điều này khiến các doanh nghiệp thu mua thịt e ngại sẽ khó bán hàng cho người tiêu dùng trực tiếp.
Đặt trong bối cảnh giá heo hơi đang ở mức thấp, khó bán trong khi tồn kho nhiều như hiện nay, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định người nông dân đang rất khó khăn, nguy cơ lây lan gây chết cho cả đàn rất cao.
“Trong khi đó, chúng ta phải tính đến cung cầu đối với mặt hàng thịt heo sau 3 – 4 tháng nữa, đặc biệt là dịp trước lễ Tết Nguyên đán, lúc đó không còn nhiều, liệu có còn đủ hay không? Sau khi nghe ý kiến các doanh nghiệp, chúng tôi đã tập hợp ý kiến để báo cáo Thủ tướng để đảm bảo nguồn cung thịt heo, vệ sinh an toàn thực phẩm”, thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Sức ép nguồn cung thời gian tới có lớn?
Tại cuộc họp giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 30/5, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết trong thời gian 3 tháng tới là thời kỳ thấp điểm của việc tiêu dùng thịt heo. Nguyên nhân là thời tiết nắng nóng, lo ngại trước thông tin dịch bệnh. Do đó, sức ép nguồn cung trong thời gian tới sẽ không quá lớn.
Tuy nhiên, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, một số địa phương đã bị cấm tái đàn cho đến khi có chỉ đạo mới (Thái Bình, Hưng Yên…) thì nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể gặp khó khăn,
Do vậy, đại diện Vụ Thị trường trong nước khẳng định, việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt heolà một trong các giải pháp cần thiết để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh, một trong những giải pháp cấp bách và có hiệu quả nhất là thu mua lợn sạch, cấp đông để những tháng sau khi nguồn cung giảm đi sẽ cung cấp lại thị trường. Việc này triển khai càng sớm càng tốt.
Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh, chủ trương thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn vừa đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi, vừa giúp giảm ngân sách nhà nước trong việc tiêu hủy và bảo vệ môi trường.
Đức Quỳnh
Theo Kinh tế & Tiêu dùng