THỊ TRƯỜNG THỊT LỢN AN TOÀN VẪN DUY TRÌ TỐT
Dịch tả lợn châu Phi hiện đang lây lan rộng tại một số địa phương. Mặc dù cho đến thời điểm này, Đắk Nông chưa phát hiện ra trường hợp nhiễm bệnh nhưng người tiêu dùng trên địa bàn vẫn đang rất e dè. Trong bối cảnh đó, các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trên địa bàn tỉnh kinh doanh thịt lợn có truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vẫn duy trì tốt lượng hàng bán ra.
Dịch tả lợn châu Phi hiện đang lây lan rộng tại một số địa phương. Mặc dù cho đến thời điểm này, Đắk Nông chưa phát hiện ra trường hợp nhiễm bệnh nhưng người tiêu dùng trên địa bàn vẫn đang rất e dè. Trong bối cảnh đó, các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trên địa bàn tỉnh kinh doanh thịt lợn có truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vẫn duy trì tốt lượng hàng bán ra.
Người dân mua thịt lợn tại chợ xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp). Ảnh: Hồng Thoan.
Người tiêu dùng e ngại, lượng tiêu thụ giảm
Qua khảo sát cho thấy, gần 1 tháng nay, lượng tiêu thụ thịt lợn tại các chợ trên địa bàn tỉnh đang giảm mạnh, từ 30-50%. Kéo theo đó, giá thịt lợn bán lẻ cũng giảm từ 5-10% so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi.
Cửa hàng thịt lợn của bà Vũ Thị Lan ở chợ Gia Nghĩa gần một tháng nay, lượng thịt tiêu thụ khá chậm. Trước đây, mỗi ngày cửa hàng bán được gần 1,5 tạ thịt nhưng nay, lượng hàng bán ra đã giảm tới gần 50%. Bà Lan cho biết, thịt lợn được cửa hàng lấy từ các cơ sở giết mổ tập trung, uy tín, có dấu kiểm dịch rõ ràng. Cộng với đó, thông tin về dịch tả lợn châu Phi được xác định là không lây cho người. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn rất e dè và tạm ngưng thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày.
Tại cửa hàng thịt lợn của bà Trần Thị Diễm Phương ở chợ Gia Nghĩa, gần một tháng nay, lượng thịt lợn bán ra cũng giảm mạnh so với trước. Theo bà Phương, nếu như trước đây, mỗi ngày cửa hàng bán được khoảng 3 tạ thì hiện giờ, lượng hàng bán ra đã giảm xuống còn gần 1,7 tạ. Không những vậy, giá thịt lợn cũng giảm xuống trung bình là 10.000 đồng/kg các loại. Do nhu cầu về thịt lợn giảm nên nhiều nhà hàng, quán cơm cũng giảm lượng thịt đặt hàng mỗi ngày…
Tại các chợ truyền thống khác trên địa bàn tỉnh, tình trạng này cũng diễn ra tương tự. Lượng thịt lợn tiêu thụ giảm không chỉ ảnh hưởng lớn tới việc buôn bán của các tiểu thương, mà nhiều hộ chăn nuôi cũng đã và đang rơi vào tình cảnh khó khăn.
Xu hướng tiêu dùng thực phẩm an toàn rõ nét hơn
Dịch bệnh đã khiến cho lượng thịt lợn tiêu thụ tại các chợ truyền thống giảm mạnh. Tuy nhiên, tại các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị trên địa bàn tỉnh, sức mua vẫn giữ nguyên so với trước khi chưa có dịch.
Người tiêu dùng lựa mua thịt tại Cửa hàng thực phẩm sạch An Nhiên (Gia Nghĩa). Ảnh: Lê Dung
Cửa hàng thực phẩm sạch An Nhiên (Gia Nghĩa) là một trong những địa chỉ được người tiêu dùng yên tâm, tìm tới nhiều. Hiện tại, mỗi ngày lượng thịt vẫn được cửa hàng bán ra đều đặn từ 3-4 tạ. Ông Nguyễn Thành Trung, đại diện Cửa hàng thịt lợn sạch An Nhiên cho biết: Cửa hàng luôn chủ động trong việc cung cấp nguồn thịt an toàn cho thị trường. Nguồn thịt lợn được cửa hàng lấy từ Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, có truy xuất nguồn gốc, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn. Song song với đó, đơn vị cũng luôn chú trọng tới việc bảo quản, chế biến thịt bảo đảm an toàn nhất cho khách hàng… Nhờ đó, người tiêu dùng luôn luôn tin tưởng khi đến với cửa hàng.
Tương tự, tại Cửa hàng thực phẩm sạch Ánh Dương (Gia Nghĩa) cũng vậy. Theo ông Trần Văn Dũng, chủ cửa hàng thì hiện nay lượng thịt bán ra vẫn không thay đổi. Giá bán vẫn không có sự biến động. Mặc dù một số khách hàng quen do tâm lý lo lắng nên đã tạm ngưng tiêu thụ thịt lợn. Nhưng ngược lại, cửa hàng lại được những khách hàng mới tìm đến, với lý do là nguồn thịt có địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ và an toàn…
Bà Trần Thị Hương, người tiêu dùng ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) cho biết: Dù vẫn biết, dịch tả lợn châu Phi không lây cho người, nhưng tâm lý tiêu dùng vẫn luôn e ngại. Nếu như trước đây, một tuần, gia đình dùng 3-4 bữa ăn có thịt lợn thì nay giảm xuống còn một nửa. Cùng với đó, khi lựa mua thịt lợn, bà không “bạ đâu mua đấy”, mà tìm tới những cửa hàng uy tín, bảo đảm rõ nguồn gốc xuất xứ để có được thực phẩm sạch, gìn giữ sức khỏe cho cả gia đình…
Theo Sở Công thương, hiện nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đang tích cực thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Người dân không nên quá hoang mang, lo lắng, “quay lưng” lại với thịt lợn vì vi rút dịch tả lợn châu Phi chỉ lây lan trên đàn lợn, không gây hại trên người. Để tiêu dùng an toàn, người tiêu dùng cần chủ động nắm bắt các nguồn thông tin về dịch tả lợn châu Phi; đồng thời, nên lựa chọn những điểm bán thịt lợn có uy tín, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, dấu kiểm dịch rõ ràng. Đơn vị cũng sẽ tích cực phối hợp với các ngành trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử phạt nghiêm các trường hợp kinh doanh không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…
Lê Dung
Báo Đắk Nông