RABOBANK: 2019 – MỘT NĂM BẤT ỔN CHO NGÀNH CHĂN NUÔI HEO TOÀN CẦU
2019 có thể là một năm đầy tiềm năng cho thị trường thịt heo toàn cầu, nhưng nó sẽ bị lu mờ bởi các vấn đề dịch bệnh và thương mại phức tạp. Đây là thông điệp chính từ báo cáo hàng quí của Rabobank.
Áp lực gia tăng khi nhiều dịch bệnh xuất hiện
Báo cáo cho biết áp lực bệnh dịch gia tăng đang thách thức thị trường toàn cầu.
“Bệnh tả heo châu Phi (ASF) là thách thức lớn nhất đối với ngành thịt heo toàn cầu trong năm 2019. Những thay đổi liên quan đến ASF sẽ mang lại cơ hội cho một số người, và là mối đe dọa cho người khác”, theo chuyên gia phân tích protein động vật cao cấp của ngân hàng Chenjun Pan.
Nhu cầu của Trung Quốc làm gia tăng nhập khẩu và điều này sẽ khuyến khích tăng trưởng liên tục ở các nước xuất khẩu chính, nhưng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ nhập khẩu bao nhiêu thịt heo vẫn là một điều không chắc chắn.
Áp lực bệnh dịch ảnh hưởng đến nguồn protein động vật toàn cầu theo hai hướng.
Sự bùng phát của dịch bệnh nghiêm trọng có thể dẫn đến thiệt hại sản xuất tại địa phương, đặc biệt là trong trường hợp không có thuốc chữa, không có vacxin hoặc dự trữ vacxin hạn chế cho dịch bệnh. Tác động này có thể kéo dài trong một thời gian – trong trường hợp dịch ASF ở Trung Quốc, các khu vực bị nhiễm bệnh bị cấm lưu trữ động vật trong ít nhất 6 tháng.
Tác động thứ hai là thương mại – và điều này được cho là quan trọng hơn nhiều so với thiệt hại sản xuất. Sự bùng phát của dịch bệnh dẫn tới những hạn chế đối với thương mại tại quốc gia bị nhiễm dịch, nhằm quản lý các rủi ro lây lan của dịch bệnh.
Bất ổn thương mại ảnh hưởng đến thị trường thịt heo
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra làm tăng thêm sự không chắc chắn cho các động lực thương mại quốc tế. Liệu thịt heo Mỹ sẽ được xuất sang Trung Quốc mà không chịu thuế trả đũa vào năm 2019? Cũng như tác động từ Brexit và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chỉ số giá cả 5 quốc gia của Rabobank giảm xuống dưới mức trung bình trong giai đoạn 2015 – 2017, phản ánh tâm lý thị trường, theo báo cáo.
Ảnh minh họa.
Những điểm nổi bật khác của báo cáo bao gồm:
Trung Quốc: sự lây lan nhanh chóng của dịch ASF
Bước sang năm 2019, dịch ASF bùng phát tại các trang trại lớn, hiện đại đã khiến thị trường chao đảo. Rabobank nhận định dịch ASF đang định hình lại ngành chăn nuôi heo.
Việc mở rộng sản xuất và tái đàn được dự báo sẽ chậm lại rõ rệt do những lo ngại lớn về các biện pháp an toàn sinh học. Trong khi nguồn cung thịt heo được cho là đủ trong qúi I/2019, vấn đề nguồn cung lớn hơn sẽ phát sinh vào cuối năm nay, với lượng thịt heo nhập khẩu dự kiến sẽ tăng đáng kể vì nguồn cung trong nước thiếu hụt.
EU: Tương đối ổn định bất chấp mối đe dọa từ dịch ASF
Thị trường thịt heo Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận tín hiệu hỗn hợp trong năm 2019.
Trong khi dự báo nhập khẩu tăng cao từ phía Trung Quốc kích khích mở rộng sản xuất, Bỉ và Đông Âu vẫn bị bủa vây trong các mối đe dọa từ dịch ASF.
Giá heo con tăng trong những tháng gần đây báo hiệu nguồn cung heo con bị thắt chặt, nhưng cũng có nghĩa sản xuất đang mạnh mẽ.
Brexit là cũng là một nhân tố khó đoán khác đối với hoạt động thương mại của EU, tác động từ sự kiện dự kiến sẽ xuất hiện trong quí II và sau đó.
Mỹ: Tiếp tục tăng trưởng sản xuất trong năm nay
Sản lượng thịt heo dự kiến sẽ tăng 4% trong năm 2019, được thúc đẩy nhờ đàn heo lớn và kì vọng về nhu cầu mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc.
Trong khi xuất khẩu thịt heo giảm ở một số thị trường trong năm 2018, xuất khẩu tổng thể đã tăng trưởng nhẹ, nhờ xuất khẩu mạnh mẽ sang Nhật Bản và Hàn Quốc.
Rabobank nhận định, xuất khẩu của Mỹ dự kiến sẽ cải thiện trong năm 2019, bất chấp sự không chắc chắn của các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung.
Giá heo duy trì ở mức cao, được hỗ trợ bởi khả năng tiếp cận xuất khẩu được cải thiện.
Brazil: Dự báo kết quả tốt hơn năm 2019
Sau khi trải qua một năm 2018 gập ghềnh và đầy thách thức, ngành thịt heo Brazil có nhiều triển vọng trong năm 2019.
Trung Quốc dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Sự trở lại gần đây của thị trường Nga – thông qua việc chứng nhận lại một số nhà máy bị hạn chế – cũng sẽ góp phần làm tăng xuất khẩu.
Nhu cầu địa phương có tiềm năng cải thiện hơn nữa trong bối cảnh kinh tế lạc quan hơn.
Lyly Cao
Theo Kinh tế & Tiêu dùng