DOANH NGHIỆP SẼ PHẢI TỰ CÔNG BỐ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM THỨC ĂN CHĂN NUÔI
Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ phải tự công bố chất lượng sản phẩm lên website của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời phải chịu trách nhiệm về sản phẩm đã công bố.
Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ phải tự công bố chất lượng sản phẩm. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ phải tự công bố chất lượng sản phẩm và đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đã công bố.
Thông tin trên được ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết tại Hội nghị Đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và phổ biến một số quy định mới về quản lý thức ăn chăn nuôi. Hội nghị do Cục Chăn nuôi tổ chức ngày 28/9 tại Hà Nội. Ông Dương nhấn mạnh, đây là điểm mới và nổi bật nhất của Nghị định 123/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ông Dương nhấn mạnh, đây là điểm mới và nổi bật nhất của Nghị định 123/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Từ nay, doanh nghiệp chỉ cần hoàn thiện việc công bố chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi đậm đặc và thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (chiếm 90% khối lượng sản phẩm thức ăn đang lưu hành) và đăng tải trên website của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là được phép sản xuất. Còn về phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ hậu kiểm việc công bố chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định: “Thay đổi này là rất tiến bộ, bởi hiện chỉ có một số nước như Canada, Hoa Kỳ… đã áp dụng. Tôi cho rằng, việc này sẽ được các doanh nghiệp rất ủng hộ, nhưng ngược lại, trách nhiệm của doanh nghiệp sẽ cao hơn trước bởi “án tại hồ sơ”. Nếu doanh nghiệp đã công bố chất lượng sản phẩm mà sau hậu kiểm phát hiện sai phạm thì sẽ phải chịu trách nhiệm”.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ tăng cường kiểm tra thức ăn bổ sung (chiếm 10% khối lượng sản phẩm thức ăn đang lưu hành), bởi nguy cơ rất cao vì chất cấm, hoá chất công nghiệp, kháng sinh… đều nằm trong sản phẩm này.
Ông Dương dẫn chứng, nếu muốn tìm kiếm một sản phẩm thức ăn chăn nuôi thì chỉ cần lên website của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gõ tên sản phẩm là sẽ ra được đơn vị sản xuất, chất lượng sản phẩm, thành phần, đối tượng sử dụng… đây chính là việc áp dụng theo Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đánh giá về tình hình sản xuất chăn nuôi 9 tháng qua, Bà Ninh Thị Len, Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi) cho biết, tính đến tháng 9/2018, tổng đàn lợn trong cả nước tăng khoảng 1,8% với sản lượng thịt lợn xuất chuồng 2,7 triệu tấn; tổng đàn gia cầm tăng 5,5%, sản lượng thịt gia cầm đạt hơn 817.000 tấn…
Đáng chú ý, giá lợn hơi tại tháng 1/2018 khoảng 32.000 – 35.000 đồng/kg và tăng dần trong các tháng tiếp theo. Đến tháng 9/2018, giá lợn hơi trung bình đã tăng lên mức 51.000 – 53.000 đồng/kg; miền Bắc từ 51.000 – 52.000 đồng/kg, miền Nam từ 52.000 – 53.000 đồng/kg và miền Trung Tây Nguyên từ 48.000 – 53.000 đồng/kg.
Giá gà công nghiệp lông màu trong tháng 9/2018 tại miền Nam ổn định ở mức 31.000 – 32.000 đồng/kg, miền Bắc giảm từ 42.000 – 46.000 đồng/kg xuống còn 33.000 – 35.000 đồng/kg.
Đối với thức ăn chăn nuôi, hiện cả nước có 245 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (nếu tính cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi thì con số này còn lớn hơn nhiều); trong đó có 171 doanh nghiệp trong nước, 71 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và 3 doanh nghiệp liên doanh. Tính đến tháng 8/2018, sản lượng thức ăn chăn nuôi do các doanh nghiệp FDI và liên doanh là 17,1 triệu tấn; doanh nghiệp trong nước đạt 5,2 triệu tấn.
Ông Nguyên Xuân Dương cho biết thêm, hiện nay hạ tầng của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi rất hiện đại, đứng đầu các nước trong khu vực ASEAN, với công suất thiết kế đạt trên 31 triệu tấn/năm. Trong khi đó, hàng năm mỗi doanh nghiệp lớn lại cho ra đời 1 nhà máy mới. Dự báo, đến năm 2020 công suất có thể đạt hơn 40 triệu tấn/năm./.
Thành Trung
Bnews/TTXVN