DOANH NGHIỆP CÁ TRA 2019: CƠ HỘI ĐẨY MẠNH MẶT HÀNG GIÁ TRỊ GIA TĂNG
Trong điều kiện các nước sản xuất cá tra lớn nhất thế giới gia tăng nuôi trồng cá tra, tương lai xa hơn là xuất khẩu thì việc sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng sẽ giúp các doanh nghiệp cá tra tăng sức mạnh cạnh tranh.
Nhiều doanh nghiệp cá tra đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng
Sáng 21/1, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tổ chức hội thảo: Cafe sáng cùng chuyên gia – Triển vọng ngành cá tra 2019. Theo VDSC, cá tra là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất nhờ nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc và các rào cản thương mại tại Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam giảm xuống.
Mặt khác, với việc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung còn kéo dài, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng thị phần xuất khẩu cá tra vào Mỹ, thay thế cho cá rô phi Trung Quốc hiện đang chiếm 40% tổng sản lượng cá nhập khẩu của Mỹ.
Hiện cá rô phi Trung Quốc chiếm khoảng 45% thị phần cá trắng tại thị trường Mỹ. Trong khi đó thị phần Việt Nam về cá tra, basa tại Mỹ chỉ khoảng 20%. Nếu Mỹ đánh thuế 25% lên cá rô phi trong thời gian tới thì VDSC kỳ vọng Việt Nam có thể gia tăng sản lượng cá tra xuất vào Mỹ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cá tra được dự báo sẽ hưởng lợi lớn nếu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) được ký kết vào đầu năm 2019. Bởi khi đó, thuế nhập khẩu cá tra vào Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm từ mức 5,5% hiện tại về 0% trong 3 năm với cá tra thô (mã HS 03) và từ mức 7% về 0% trong 7 năm với cá tra chế biến.
VDSC cho biết, nhiều doanh nghiệp cá tra đang đẩy mạnh sản xuất mặt hàng giá trị gia tăng. Cụ thể, Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) đang đẩy mạnh dòng các sản phẩm ăn liền nấu liền và collagen. Nam Việt cũng đang lên kế hoạch phát triển sản phẩm surimi, collagen và dầu tư cá. IDI thì xem xét các sản phẩm cá tra hun khói, hộp xúc xích.
Theo VDSC, trong điều kiện các nước sản xuất lớn trên thế giới như Ấn Độ, Malaysia, Bangledesh, Indonesia gia tăng nuôi trồng,trong tương lai xa hơn là xuất khẩu thì việc sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng sẽ tăng tính cạnh tranh.
(Nguồn: VDSC).
Rủi ro nào mà các doanh nghiệp cá tra gặp phải trong 2019?
Dù có nhiều thuận lợi nhưng doanh nghiệp cá tra vẫn gặp không ít khó khăn. Pháp lý và dư cung là những rủi ro mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thường xuyên phải đối mặt. Đồng thời, EVFTA có thể bị trì hoãn do bất ổn chính trị tại châu Âu nên chưa chắc mang lại giá trị cho doanh nghiệp ngay trong năm 2019.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện tại nhiều hộ dân đang ồ ạt nuôi thả cá tra giống và cá tra nguyên liệu do giá 2018 tăng cao. Trong trường hợp nhu cầu cá tra sụt giảm, giá nguyên liệu có thể sụt giảm khi mà người nông dân đồng loạt bước vào vụ thu hoạch. VDSC cho rằng, nhiều họ nông dân có thể bị thua lỗ, và khả năng bị treo ao, gây thiếu hụt nguồn giống, cá nguyên liệu.
Nhận định về Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), VDSC cho biết, năng lực nuôi trồng nâng cao của Vĩnh Hoàn sẽ giúp giảm thiểu tác động bất lợi của tình trạng giá cá nguyên liệu tăng vọt lên chi phí sản xuất. Năng lực chế biến gia tăng, vị trí đầu ngành cùng với danh mục sản phẩm đa dạng và có giá trị cao của VHC sẽ đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ của các thị trường.
Vùng nuôi mới rộng 220 ha sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 1/2019 và cho thu hoạch lứa cá nguyên liệu đầu tiên vào tháng 7-8/2019. Nguyên liệu tự sản xuất sẽ tăng 40% so 2018. Công suất chế biến được dự báo sẽ tăng từ mức hiện tại là 850 tấn nguyên liệu/ngày lên 1.130 tấn nguyên liệu/ngày vào cuối năm 2021.
Theo đó VDSC dự báo doanh thu 2019 của Vĩnh Hoàn sẽ tăng 12,1%, tương đương 10.627 tỉ đồng. Giá trị xuất khẩu cá tra đạt 381 triệu USD, trong đó tỷ trọng các thị trường chính là Mỹ 60%, EU 9% và Trung Quốc 11%.
Do cạnh tranh cao ở thị trường Mỹ, thị trường có giá bán cao, doanh số tại Mỹ sẽ giảm nhưng tăng ở các thị trường khác. Khối lượng xuất khẩu có thể tăng 19,7% so với 2018 trong khi giá bán trung bình giảm 9,2% . Biên lãi gộp giảm xuống 19,4% từ 23,3% trong năm 2018. Lãi sau thuế đạt 1.517 tỉ đồng, tương ứng với EPS 14.937 đồng/cp.
Về CTCP Nam Việt (Mã: ANV), VDSC cho biết công ty có có vùng nuôi 350 ha, tự chủ hoàn toàn về khâu sản xuất và hức ăn. Việc đầu tư vào công ty nuôi giống, sẽ giúp công ty tự chủ con giống với tỉ lệ 70% trong 2019 và 100% vào 2020. Hiện tại Nam Việt có 4 nhà máy với tổng công suất 1.100 tấn/ngày. Tuy nhiên công ty chỉ đang sử dụng khoảng 600 tấn/ngày.
VDSC nhận định cơ cấu thị trường của Nam Việt khá đa dạng trong đó Trung Quốc chiếm 15% cơ cấu doanh thu. Nam Việt đang thông qua đối tác độc quyền tại Trung Quốc cho nên biện lãi gộp đã tăng 18% lên 20% trong 2018.
Tuy nhiên, VDSC cũng lưu ý về rủi ro tại thị trường này khi nhu cầu thực phẩm giảm đi. Thứ 2, về vòng quay tiền mặt, dù có giảm về 166 ngày/năm tuy nhiên Nam Việt vẫn cao so với trung bình ngành.
Riêng về IDI, hiện công ty đã tự chủ 95% sản xuất tuy nhiên con giống thì vẫn còn chuyển giao cho các hộ nuôi. VDSC cho rằng chất lượng cá giống vẫn chưa được đảm bảo. Về khâu chế biến, IDI vận hành khoảng 400 tấn nguyên liệu/ngày, đang quá tải và phải thuê nhà máy từ bên ngoài.
VDSC cho biết, nợ vay của IDI khá lớn, có thể dẫn đến một số rủi ro về thanh khoản. Dòng tiền âm liên tục nhiều năm có thể khiến công ty đứng trước rủi ro thanh khoản như chia trả lãi vay, khả năng trả cổ tức. Mặt khác, giao dịch cổ phiếu có tính đầu cơ, biến động lớn.
Minh Anh
Theo Kinh tế & Tiêu dùng