BỎ TÚI TIỀN TRIỆU NHỜ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI
Không chỉ giải quyết bài toán giảm thiểu mùi hôi, hạn chế lượng chất thải đổ ra hầm biogas, việc đưa máy ép phân vào xử lý chất thải trang trại chăn nuôi lớn ở huyện Cẩm Xuyên, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) còn giúp người dân bỏ túi tiền triệu từ việc bán phân lợn.
Giảm 40 – 50% chất thải ra môi trường
Những năm 2010 – 2013, khi phong trào xây dựng NTM phát triển rầm rộ cũng là lúc chăn nuôi lợn trang trại, gia trại ở Hà Tĩnh mọc lên như nấm sau mưa. Nói không ngoa, nhà nhà nuôi lợn, người người nuôi lợn. Hộ lớn thì làm trang trại 500 đến 3, 4 ngàn con; hộ nhỏ cũng 10 – 20 con. Các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi ra đời ngày các nhiều.
Hầu hết mô hình hầm biogas cỡ nhỏ xây dựng tại Hà Tĩnh đều phát huy hiệu quả tốt. Ảnh: TN
Việc phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi đúng là đã giải quyết bài toán thu nhập cho người dân các xã xây dựng NTM. Tuy nhiên, mặt trái của nó là “đầu độc” môi trường ô nhiễm hết sức nghiêm trọng. Vấn đề này từng khiến một số địa phương như Hương Sơn, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Vũ Quang… phải “tuýt còi” việc hình thành trang trại, gia trại chăn nuôi lợn.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Chi cục Chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh có 145 mô hình trang trại chăn nuôi lợn quy mô từ 300 con trở lên và hàng nghìn trang trại quy mô nhỏ phát triển theo chính sách xây dựng NTM. Gần như 100% các trang trại này đều xử lý chất thải bằng hầm biogas.
Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây là đại đa số hệ thống xử lý chất thải đầu tư chưa tương xứng với quy mô tổng đàn, chưa đảm bảo theo quy định pháp luật. Nước thải, thậm chí phân lợn ở một số trại nhỏ, chăn nuôi nông hộ vẫn xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Khoảng 5 năm trở lại đây khi Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) Trung ương hỗ trợ người dân Hà Tĩnh xây dựng hầm biogas và máy ép phân thì áp lực mùi hôi thối từ chất thải chăn nuôi lên môi trường giảm hẳn. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến hiệu quả “kép” của mô hình máy ép phân tại các trang trại chăn nuôi lớn.
Năm 2012, hộ ông Trần Nghệ Tĩnh, thôn 4, xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn quy mô 4.000 con/lứa, trên diện tích 4,5ha. Lúc bấy giờ, ông Tĩnh bỏ vốn đầu tư từ A đến Z, theo kiểu “lời ăn, lỗ chịu”. Đến năm 2014, do sức khỏe giảm sút nên ông chuyển hướng sang nuôi gia công cho Cty Golden Star, ở tỉnh Nghệ An.
Để duy trì hoạt động của trang trại đảm bảo các quy định pháp luật, ông Tĩnh chi hàng tỷ đồng đầu tư xây dựng hầm biogas cỡ lớn xử lý chất thải. Tuy nhiên, theo ông Tĩnh, do thói quen sử dụng nước để tắm cho lợn và chùi rửa, vệ sinh chuồng trại thường xuyên nên hầm biogas rất nhanh đầy. Đây là hạn chế của việc xử lý chất thải hoàn toàn bằng hầm biogas.
“Khoảng tháng 7/2018, được sự hỗ trợ của dự án LCASP, tôi vận thành thử nghiệm công nghệ máy ép phân. Sau gần 1 năm sử dụng tôi thấy mô hình này rất hiệu quả. Trước hết là giảm gần 50% mùi hôi thối thải ra môi trường, sau đó giảm khoảng 40% chất thải rắn đổ ra hồ lắng. Đồng thời, tạo nguồn thu từ việc bán phân hữu cơ, phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch”, ông Tĩnh nhấn mạnh.
Ép 2 tấn phân tươi/ngày
Theo tính toán của ông Trần Nghệ Tĩnh, bình quân trong cả giai đoạn phát triển, mỗi ngày 4.000 con lợn của trang trại thải ra trên dưới 2 tấn phân. Toàn bộ lượng phân này đều được đưa vào máy ép. Cứ 2 tấn phân tươi thu gần 1 tấn phân khô.
Mô hình máy ép phân không chỉ giải quyết bài toán bảo vệ môi trường mà còn tăng thu nhập cho chủ trang trại. Ảnh: TN
“Tiền điện ép 1 tấn phân khô hết khoảng 36.000đ, cộng với tiền lương của một nhân công, tính ra tôi chỉ cần bán 200.000đ/1 tấn phân khô là đủ chi phí. Tuy nhiên, lâu nay hầu hết phân ép khô chủ yếu tôi đem đi biếu bạn bè bón cho cây trồng”, ông Tĩnh nói.
Ông cũng cho biết, vì đang là giai đoạn thử nghiệm nên chưa chú trọng nhiều vào hiệu quả kinh tế từ máy ép phân, nhưng về lâu dài, khi kết thúc dự án ông sẽ tính toán mua chiếc máy này để vừa xử lý chất thải, vừa tăng thu nhập. Được biết, giá bán phân hữu cơ ngoài thị trường hiện nay bình quân 1 tấn trên dưới 1 triệu đồng.
Ông Lê Văn Danh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên khẳng định, việc đưa máy ép phân vào xử lý chất thải chăn nuôi tại các trạng trại lớn là cực kỳ cần thiết. Đối với mô hình máy ép phân do Dự án LCASP hỗ trợ tại trang trại ông Trần Nghệ Tĩnh, qua theo dõi cho thấy mô hình phát huy hiệu quả cao trong việc giảm mùi hôi thối, giảm lượng chất thải đổ ra hầm biogas; đặc biệt là tạo một khối lượng lớn phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch.
Xây dựng 1.200 công trình Theo báo cáo từ Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên, kể từ ngày khởi động (năm 2013) đến nay, dự án LCASP Hà Tĩnh đã hỗ trợ người chăn nuôi huyện Cẩm Xuyên xây dựng được hơn 1.200 công trình xử lý chất thải chăn nuôi. Trong đó, 1 công trình máy ép phân; 850 hầm biogas composite; số còn lại là hầm xây. Qua khảo sát đánh giá, khoảng 90% công trình phát huy hiệu quả tốt; còn 10 % không phát huy hiệu quả. Nguyên nhân được xác định chủ yếu do người chăn nuôi thực hiện vận hành không đúng quy trình, cho chất kháng sinh, sát trùng vào bể biogas; tăng đàn vượt thiết kế của hầm; bơm nước quá nhiều vào hầm dẫn đến nước tràn ra môi trường xung quanh. Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch bệnh, giá lợn giảm khiến người dân bỏ trắng chuồng… NGUYỄN NGA |
Thanh Nga – Việt Khánh
Nguồn: Báo Nông Nghiệp