CHÍNH SÁCH GIẢM GIÁ ĐỒNG NHÂN DÂN TỆ CỦA TRUNG QUỐC CÓ THỂ GÂY BẤT LỢI CHO DN XUẤT KHẨU SẮN
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự đoán các giao dịch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn vẫn tiếp tục ảm đạm do nhu cầu từ phía Trung Quốc yếu, xuất khẩu tinh bột sắn vẫn thấp đến hết quý II/2019.
Thị trường Trung Quốc gặp khó, sắn Việt Nam vẫn ảm đạm
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 5 ước đạt 157.000 tấn với giá trị đạt 63 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 5 tháng đầu năm đạt hơn 1 triệu tấn, tương ứng với 414 triệu USD, giảm 17,6% về khối lượng và giảm 11% so với cùng kỳ năm 2018.
So với tháng 4, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn cũng giảm mạnh cả về lượng 34,6% và giá trị giảm 34,1%.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm , chiếm tới 89,2%, giảm 16,4% về khối lượng và giảm 3,5% về giá trị so với cùng kì năm ngoái.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho biết xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam giảm do xuất khẩu tinh bột sắn suy giảm mạnh trên hai kênh chính ngạch và biên mậu.
Ảnh minh họa
Nguồn cung và chất lượng sắn củ tươi giảm mạnh nên hầu hết nhà máy chế biến tinh bột sắn đã tạm ngưng sản xuất, khiến nguồn cung tinh bột sắn xuất khẩu khan hiếm, đồng thời giá xuất khẩu đang giảm mạnh nên doanh nghiệp cũng có xu hướng gom hàng, tạm ngưng xuất khẩu.
Thêm vào đó, Trung Quốc cũng tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và siết chặt nhập khẩu qua kênh biên mậu.
Từ sau ngày 1/4, Trung Quốc giảm thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu chính ngạch xuống còn 13% khiến giá hàng hóa xuất qua khu vực biên mậu trở nên kém cạnh tranh hơn.
Ngoài ra, nhu cầu mua sắn lát từ các nhà máy cám cá tăng mạnh nên các doanh nghiệp Việt Nam còn hàng cũng không vội ký hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc do giá xuất khẩu đang ở mức thấp.
Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân tháng 5 của Việt Nam đạt 408 USD/tấn, tăng 0,8% so với tháng trước nhưng giảm 10,2% so với cùng kì năm 2018.
Trong đó, giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn giảm 1,7% xuống 425 USD/tấn, giảm 15,2% so với cùng kì năm 2018. Trong khi, giá xuất khẩu sắn lát bình quân của Việt Nam trong tháng 5 đạt 226 USD/tấn, giảm 8% so với tháng trước và giảm 11,3% so cùng kì năm trước.
Xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc có thể ảm đạm đến hết quý II
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự đoán các giao dịch xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn thời gian tới tiếp tục ảm đạm do nhu cầu từ Trung Quốc yếu, xuất khẩu tinh bột sắn vẫn thấp đến hết quý II/2019.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết hiện đang mùa nắng nóng, theo quy luật hàng năm, nhu cầu sử dụng tinh bột sắn cho sản xuất thực phẩm tại Trung Quốc giảm mạnh.
Tuy nhiên, lượng tồn kho của các nhà máy Việt Nam vụ 2018 – 2019 không còn nhiều, do đó sẽ không có hiện tượng dư cung cho tới vụ mới 2019 – 2020.
Trong khi đó, mức thuế VAT sản phẩm sắn tại Trung Quốc giảm sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu chính ngạch qua các cảng biển Trung Quốc và buộc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tinh bột sắn qua đường biên mậu phải điều chỉnh giá phù hợp.
Cục Xuất nhập khẩu cho hay hiện các doanh nghiệp kinh doanh sắn lát Việt Nam đang chờ thủ tục đăng ký danh sách xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nhu cầu sử dụng sắn lát từ các nhà máy phía Trung Quốc giảm mạnh, dẫn đến xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam khá thấp. Các nhà máy Việt Nam hầu hết chào bán lượng hàng đã sản xuất trước đó, một số ít chạy máy sản xuất khi có đơn hàng đặt mới.
Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự báo nhu cầu tiêu thụ sắn lát của Trung Quốc có thể tăng trở lại sau khi nước này tăng thuế nhập khẩu lên 25% với gói hàng hóa trị giá 60 tỉ USD của Mỹ khiến nguồn cung cồn nhập khẩu giảm.
Cục cũng lưu ý, để giảm áp lực thuế quan đối với xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, Trung Quốc đang áp dụng chính sách giảm giá đồng nhân dân tệ, gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn qua kênh biên mậu.
Đức Quỳnh
Theo Kinh tế & Tiêu dùng