BÌNH ĐỊNH: THAY HEO BẰNG BÒ
Không để “nước đến chân mới nhảy”, trong lộ trình tái cấu trúc ngành chăn nuôi, Bình Định quyết tâm giảm thiểu chăn nuôi heo nhỏ lẻ trong nông hộ, tập trung phát triển gia trại, trang trại xa khu dân cư.
Một gia trại chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh tại Bình Định. Ảnh: Đăng Lâm.
Bình Định hiện có đàn heo gần 900.000 con, điều đáng mừng là trong những năm qua ngành chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh này đã dần dịch chuyển theo hướng SX hàng hóa.
Theo đó, Bình Định đã hình thành gần 5.300 gia trại và gần 100 trang trại chăn nuôi heo, hầu hết đều áp dụng các biện pháp an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn đó hình thức chăn nuôi heo nhỏ lẻ trong nông hộ thiếu an toàn dịch bệnh, đây chính là đối tượng dịch bệnh luôn rình rập uy hiếp.Bình Định hiện có đàn heo gần 900.000 con, điều đáng mừng là trong những năm qua ngành chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh này đã dần dịch chuyển theo hướng SX hàng hóa.
Để giảm thiểu thiệt hại đồng thời hướng ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong thời gian tới tỉnh này sẽ vận động người dân giảm dần hình thức nuôi heo nhỏ lẻ chuyển sang nuôi bò chất lượng cao, loài vật nuôi mà ngành chức năng có thể khống chế được dịch bệnh và giá cả ổn định.
“Bình Định hiện đang có tổng đàn bò gần 300.000 con, chiếm 85% trong đó là bò lai với lỷ lệ máu lai đến 85%, chủ yếu là bò Zebu, đây là lợi thế lớn trong lai tạo đàn bò chất lượng cao. Trong chương trình phát triển bò thịt chất lượng cao, đến năm 2018 Bình Định đã xây dựng được 32 mô hình nuôi bò thịt, chủ yếu là giống bò BBB, mỗi mô hình nuôi 10 con, hiệu quả của mô hình đã thu hút nhiều nông dân trong tỉnh chuyển từ nuôi heo sang nuôi bò chất lượng cao”, ông Hổ cho hay.
Quyết tâm giảm thiểu nuôi heo nhỏ lẻ trong nông hộ mạnh nhất là huyện Hoài Ân, nơi có đàn heo 230.000 con, chiếm gần 1/3 tổng đàn heo của Bình Định.
“Từ nhiều năm nay, hầu hết người dân Hoài Ân lấy chăn nuôi heo làm nguồn thu nhập chính, chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ trong hộ gia đình. Bây giờ vận động họ bỏ nghề truyền thống là điều không dễ, nhưng nếu cứ duy trì hình thức nuôi không đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì nông dân sẽ cầm chắc phần thua.
Chúng tôi sẽ đưa Luật Môi trường ra áp dụng đối với những hộ nuôi heo trong khu dân cư, hộ nào không thực hiện đúng sẽ bị xử lý mạnh tay. Nếu không quản lý được hình thức chăn nuôi heo trong nông hộ sẽ rất khó đưa ngành chăn nuôi đi theo hướng bền vững”, ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, chia sẻ.
Bình Định đang phát triển mạnh nuôi bò chất lượng cao. Ảnh: Đăng Lâm.
Cũng theo ông Long, huyện Hoài Ân, nơi được mệnh danh là “vựa heo lớn nhất miền Trung”, đang nỗ lực xây dựng thương hiệu heo, đồng thời liên kết tiêu thụ với thị trường các tỉnh Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng. Trong năm 2019 này, Hoài Ân sẽ xây dựng Trung tâm Dịch vụ mua bán động vật tại xã Ân Phong. Tất cả heo ở Hoài Ân xuất đi bán các nơi phải qua sự kiểm dịch của trung tâm này để đảm bảo chất lượng.
“Kinh phí xây dựng trung tâm vào khoảng 10 tỷ đồng theo hình thức Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. 1 doanh nghiệp chuyên mua bán heo trên địa bàn huyện đứng ra đầu tư kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng, Nhà nước sẽ hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng đường giao thông, hệ thống điện”, ông Long cho hay.
“Phương thức chăn nuôi bò trong nông hộ cũng đang chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi bán thâm canh và thâm canh với quy mô trang trại góp phần tăng tổng đàn bò. Đây là kết quả nhiều năm thực hiện các chương trình, dự án.Các dự án Cạnh tranh nông nghiệp, Sinh kế nông thôn bền vững, “Sind hóa” và “Zebu hóa” đàn bò lai… đã phát huy hiệu quả; trong đó, chương trình nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả cao, đây là điều kiện tốt để vận động người dân bỏ hình thức nuôi heo nhỏ lẻ trong nông hộ chuyển sang nuôi bò để đạt hiệu quả kinh tế hơn”, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, chia sẻ. |
Nông Nghiệp