TẬP ĐOÀN CP ĐÁNH CƯỢC LỚN VÀO THỊ TRƯỜNG TÔM VÀ THỊT GIA CẦM CỦA VIỆT NAM
Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam dự định tăng cường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thực phẩm tại Việt Nam, đặc biệt là gia cầm và tôm.
Xuất khẩu sản phẩm gia cầm của Việt Nam được kì vọng tiếp tục tăng
Kế hoạch này được CP công bố tại buổi lễ kỉ niệm 25 năm thành lập tại Việt Nam được tổ chức hôm 5/12. Ông Montri Suwanposri, chủ tịch CP Việt Nam, cho biết kể từ năm 1993, tập đoàn đã đầu tư khoảng 32,82 tỉ baht tại Việt Nam.
Ông nhận xét tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang rất tốt, khoảng 6,5% /năm.
Ngoài ra, Việt Nam có số lượng người trong độ tuổi lao động lớn và chính trị ổn định. Đây chính là hai yếu tố tích cực trong các quyết định đầu tư của CP.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn là thành viên của nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương với nhiều quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu.
“Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu các sản phẩm gia cầm của Việt Nam được kì vọng sẽ tiếp tục tăng. Và đây cũng chính là động lực để CP mới đây đầu tư vào giai đoạn đầu tiên của khu phức hợp chế biến và xuất khẩu thịt gia cẩm.
Đây là khu phức hợp chế biến thịt gia cầm hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á với công suất chế biến khoảng 1 triệu con gà/tuần. Điều này giúp CP Việt Nam trở thành chi nhánh sản xuất thịt gà lớn thứ hai của tập đoàn, sau CP Thái Lan. Hiện tại, công suất chế biến thit gà của CP Thái Lan ở mức 30 triệu con mỗi tuần”, ông Montri Suwanposri cho biết.
Công ty đã đầu tư 6,43 triệu baht để xây dây truyền sản xuất gia cầm tại Bình Phước, nơi được đánh giá là có khí hậu thuận lợi cho việc sản xuất gà phục vụ cho xuẩt khẩu. Hạng mục đầu tư bao gồm một trang trại gà thịt, khu vực giết mổ.
Tấn công sản xuất tôm, tăng số lượng nhà mát sản xuất thức ăn chăn nuôi
Bên cạnh việc phát triển mảng kinh doanh thịt gia cầm, CP Việt Nam lên kế hoạch đầu tư vào sản xuất tôm, nâng công suất lên khoảng 1 triệu tấn mỗi năm từ mức hiện tại chỉ khoảng 20.000 tấn. Sản phẩm tôm của công ty chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản, Anh, Australia, Trung Quốc và Châu Âu.
Công ty cũng có ý định nâng số lượng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm hỗ trợ tăng trưởng mảng kinh doanh thịt. Hiện tại, CP Việt Nam có 7 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với sản lượng khoảng 4,05 triệu tấn/năm và ba nhà máy sản xuất thức ăn cho nuôi trồng thủy sản với sản lượng khoảng 400.000 tấn/năm. Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất nằm ở Hải Dương, với công suất khoảng 700.000 tấn/năm.
Ông Montri Suwanposri cho hay trong quý III/2018, doanh thu của công ty đạt 62 tỉ baht. Trong đó, 60% đến từ hoạt động sản xuất nông sản, 33% thức ăn chăn nuôi và 7% từ chế biến thực phẩm.
Lạc quan mục tiêu tăng thị phần chế biến thực phẩm tại Việt Nam lên 40%
Ông Suphat Srithanathorn, Phó chủ tịch của CP Việt Nam phụ trách mảng thực phẩm, lạc quan rằng công ty có thể tăng thị phần chế biến thực phẩm tại Việt Nam lên khoảng 40%.
Dung lượng thị trường đồ ăn và nước giải khát của Việt Nam khoảng 5.677 tỉ baht. Trong đó, CP hiện đang nắm 32% thị phần mặt hàng thịt gà và 20% đối với mặt hàng xúc xích.
Ông Suphat Srithanathorn cho biết, công ty đang cải thiện hình ảnh bằng việc thiết kế lại bao bì thương hiệu sao cho hiện đại và cập nhật xu thế hơn.
Các mặt hàng đồ ăn sẵn sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong thời tới như xúc xích, trứng đã qua chế biến, sushi…
Đức Quỳnh
Theo Kinh tế & Tiêu dùng