DINH DƯỠNG TRONG CHĂN NUÔI HEO
Thức ăn và nuôi dưỡng là một khâu quan trọng trong quá trình sản xuất heo. Trong khi đó, thức ăn chiếm từ 70 – 75% tổng giá thành sản phẩm. Vì thế, đối với khẩu phần ăn của heo chúng ta cần phải tính toán sao cho có thể giảm được chi phí nhằm làm tăng hiệu quả chăn nuôi.
Để khẩu phần ăn có thể đáp đủ nhu cầu dưỡng chất cho từng loại heo đòi hỏi cần phải có những kiến thức cơ bản về vấn đề dinh dưỡng. Ngoài việc đáp ứng được 2 yếu tố là Dưỡng khí và Nước, cần phải quan tâm đến những dưỡng chất vô cùng quan trọng khác nữa như Protein, Năng lượng, Vitamin, Khoáng và các loại sản phẩm dinh dưỡng bổ sung khác (Enzyme tiêu hóa, Probiotic, Axit hữu cơ…).
I. PROTEIN
Protein là thành phần cấu tạo của tất cả các loại tế bào, đồng thời là cấu trúc của những chất điều hòa sự sống như hormon, enzyme… Ngoài việc phải đảm bảo đúng số lượng protein cho mỗi kg thức ăn, khẩu phần còn phải thỏa mãn đủ 10 loại axit amin thiết yếu dùng để cấu tạo nên protein như: lysine, tryptophane, methionine, valine, histidine, isoleucine, leucine, phenyl-alanine, threonine, arginine. Trong đó cystine có thể thay cho nhu cầu methionine 30 – 40%, tyrosine thay 30 – 40% nhu cầu phenylalanine.
Nguồn: KIẾN THỨC CHĂN NUÔI HEO
Heo đang thời kỳ tăng trưởng, nhu cầu lysine rất cao từ 1 – 1,2% trong khẩu phần. Tương tự trong giai đoạn này cũng cần nhiều methionine, tryptophane… Nếu thiếu 3 loại axit amin như lysine, methionine, tryptophane trong khẩu phần hàng ngày thì dù có cung cấp đủ các axit amin khác nhưng hiệu quả sử dụng axit amin của heo cũng không cao.
Riêng threonine rất cần để nâng cao sức đề kháng bệnh của heo, nếu thiếu sẽ làm giảm sự tổng hợp kháng thể (globuline) để chống lại mầm bệnh.
Đối với heo thịt nhu cầu arginine không cao bằng heo sinh sản.
Một số chế phẩm polypeptid là kết quả của sự thủy phân protein không hoàn toàn, tạo thành những chuỗi nối axit amin ngắn giúp heo dễ tiêu hóa nhưng chúng cũng rất dễ bị các vi sinh vật đường ruột chiếm dụng và dễ bị hư hỏng khi bảo quản không đúng cách, hoặc tồn trữ quá lâu ở điều kiện nóng và ẩm của nước ta.
Cũng cần phải cảnh giác với những thức ăn hỗn hợp sử dụng nguồn protein khó tiêu như bột lông vũ chưa xữ lý vì khi phân tích cho kết quả hàm lượng nitơ quy ra protein rất cao nhưng heo không tiêu hóa và hấp thu được để sử dụng cho cơ thể.
Những axit amin không dự trữ sẽ lưu chuyển trong máu 24 – 26 giờ, nếu dư thừa mà không sử dụng vào mục đích tổng hợp protein cho cơ thể thì sẽ bị phân giải như sau:
- Gốc amin (-NH2) sẽ biến thành ure và thải qua nước tiểu.
- Gốc R-COOH sẽ tạo mỡ hoặc cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Vì vậy dư protein trong khẩu phần thường làm tăng chi phí thức ăn và heo có xu hướng mập mỡ, tăng lượng amoniac bài thải làm ô nhiễm môi trường. Nhưng nếu thiếu axit amin thì heo bị thiếu chất liệu cho sự tăng trưởng sẽ chậm lớn, dễ mắc bệnh, phẩm chất thịt kém. Cho nên cần cung cấp đủ nhu cầu axit amin cho từng lứa tuổi của heo.
Axit amin thiết yếu thường chứa nhiều trong thức ăn động vật, nên cần phải có tối thiểu 5% thức ăn nguồn gốc động vật trong khẩu phần ăn hằng ngày của heo. Nếu dùng toàn bộ thức ăn có nguồn gốc từ thực vật thì cần phải bổ sung thêm các axit amin thiết yếu như lysine, methionine, tryptophane, threonine… Tuy vậy cũng không thay thế hoàn toàn phẩm chất đặc biệt của thức ăn nguồn gốc động vật được.
Một số loại thức ăn gốc protein động vật hay thực vật cũng đều có ảnh hưởng đến phẩm chất thịt heo khi giết mổ như: Bột cá chế biến bán công nghiệp hay thủ công sẽ có mùi cá tích đọng trong thịt, hoặc một số loại thức ăn giàu protein như khô dầu phộng đã cũ sẽ có nhiều độc tố nấm mốc (Aflatoxine), khi heo ăn sẽ bị suy yếu sức đề kháng, sức tăng trưởng, tổn thương gan… Hoặc khô đậu nành còn sống thì có nhiều chất ức chế tiêu hóa như Anti – trypsine làm giảm sút hiệu quả sử dụng protein trong thức ăn. Các protein của bột cá, bột ruốc dễ bị phân giải khi bảo quản không tốt (ẩm, ướt, nóng.. ) tạo thành amoniac sẽ làm heo ăn bị tiêu chảy, chậm lớn.
Tỉ lệ tiêu hóa protein trên heo thay đổi từ 70 – 90% tùy loại thức ăn cho nên cần bổ sung thêm enzyme protease vào thức ăn để giúp phân giải triệt để protein thô thành các axit amin dễ hấp thu. Hiệu quả của việc bổ sung này cao nhất vào thời điểm heo con sau cai sữa và thường làm tăng thêm chi phí. Vì vậy khi tổ hợp khẩu phần để lập công thức pha trộn thức ăn cho heo ta không những chú ý đến cân bằng nhu cầu protein thô mà còn chú ý đến sự cân bằng axit amin thiết yếu.
Ngoài ra để chuyển hóa tốt axit amin trong cơ thể cần phải có đủ vitamin B6 trong thức ăn.
Nhu cầu protein thô trong thức ăn theo lứa tuổi heo như sau:
- Dưới 15 kg thể trọng : 18 – 22 % khẩu phần, trung bình 20% dành cho heo nạc.
- Từ 15 – 30 kg thể trọng : 16 – 18 % khẩu phần, trung bình 18% dành cho heo nạc
- Từ 31 – 50 kg thể trọng : 14 – 16 % khẩu phần, trung bình 16% dành cho heo nạc
- Từ 51 – 100 kg thể trọng : 12 – 14 % khẩu phần, trung bình 14% dành cho heo nạc
II. NĂNG LƯỢNG
Có nhiều dạng năng lượng khác nhau, nhưng hiện nay người ta thường sử dụng trị số năng lượng trao đổi (ME: Metabolisable energy) để đo lường nhu cầu năng lượng của các loại gia súc gia cầm, đồng thời cũng dùng để đo giá trị năng lượng của các loại thực liệu là thức ăn gia súc.
Nguồn: www.cungcau.vn
Bất kỳ một chất hữu cơ nào khi thú ăn vào cũng sinh ra năng lượng và việc cân bằng nhu cầu năng lượng trao đổi của heo bằng các thực liệu là một phép tính quan trọng trong việc tổ hợp khẩu phần để lập công thức pha trộn thức ăn. Ta có thể phân loại ra thành 2 dạng chất dinh dưỡng có thể cung cấp năng lượng chính, đó là Lipid và Glucid
1. Lipid
Hay còn được gọi là chất béo, được tạo ra do phản ứng ester hóa giữa glycerol và 3 acid béo.
Người ta phân biệt: ở 200 C, nếu lipid đông đặc thì gọi là mỡ, nếu lipid ở thể lỏng thì gọi là dầu.
Lipid hiện diện khắp nơi trong cơ thể heo, nó là thành phần cấu tạo của tất cả các loại tế bào, là chất dự trữ năng lượng cho cơ thể: lớp mỡ bọc thân (1g lipid tạo ra khoảng 9 kcal), khi cần thiết nó sẽ chuyển thành năng lượng nhiệt để sưởi ấm cơ thể hoặc cung cấp năng lượng cho các phản ứng sinh học trong cơ thể.
Phẩm chất lipid trong thức ăn có ảnh hưởng đến phẩm chất của mỡ heo, điều này thể hiện rõ khi chất béo xấu sẽ chứa nhiều axit béo không no (nhiều nối đôi trong chuỗi carbon) làm cho mỡ heo mềm (mỡ bệu), làm cho thịt heo khó dự trữ vì mỡ bị hóa lỏng, bị ôi dầu (vì tạo ra các gốc peroxid) và điều này sẽ làm hư hỏng các vitamin A, D, E… Loại chất béo này có nhiều trong bột cá, cám gạo, bánh dầu dừa.. Còn chất béo tốt sẽ chứa nhiều axít béo no làm cho mỡ heo tốt (mỡ chắc), phẩm chất thịt tốt hơn, thịt có hương vị thơm hơn khi chế biến, nấu nướng làm ra vị ngon khoái khẩu của người tiêu dùng thịt. Ngoài ra loại mỡ này còn làm cho thịt được dự trữ được lâu. Loại chất béo này có trong tinh bột bắp, tấm.. Vì vậy khi nuôi heo thịt ở giai đoạn cuối người ta thường cung cấp nhiều tinh bột để tạo mỡ hơn là cung cấp nhiều lipid.
Tuy vậy, axit béo không no cũng là những loại axit béo thiết yếu cần thiết cho sự phát triển của tất cả các loại tế bào trong cơ thể và nếu thiếu sẽ làm cho heo chậm lớn như axit linoleic (omega 6), axit linolenic (omega 3) và axit arachidonic mà con người gọi là vitamin F, cả 3 chất này rất cần để tạo ra axit doso sahexaenoic (DHA) vốn là loại axit béo chuỗi dài cần thiết cho nhu cầu phát triển và hoạt động của mô thần kinh não tủy. Đối với heo, nếu cung cấp đủ sẽ tạo ra mỡ heo có giá trị cao.
Mặt khác trong khẩu phần của heo, cần có một lượng lipid để tạo ra sự ngon miệng, chống bụi, giúp hòa tan các vitamin tan trong chất béo và để phát triển cơ thể. Nhưng nếu khẩu phần ăn có nhiều chất béo sẽ là nguyên nhân làm heo chán ăn hoặc tiêu chảy do không tiêu hóa được, gây kích ứng đường ruột và chất béo trong thức ăn nhanh chóng biến thành mỡ của các hệ mô, bọc quanh cơ quan nội tạng và phát triển nhanh lớp mỡ bọc thân. Heo nái trong thời kỳ mang thai sẽ dự trữ lớp mỡ bọc thân rất dày để cung cấp cho heo con qua con đường sữa. Nái tốt thì lớp mỡ bọc thân của heo con phát triển nhanh, heo con trở nên bụ bẫm, nhưng bù lại lớp mỡ bọc thân của nái nhanh chóng giảm đi. Như vậy trong thời kỳ tiết sữa nuôi con heo nái có cân bằng lipid âm, nghĩa là lượng lipid ăn trong khẩu phần hằng ngày không đủ cho nhu cầu bảo trì và tiết sữa, nái phải huy động đến chất béo dự trữ để tạo sữa, làm cho lớp mỡ dưới da giảm đi nhanh chóng.
Cần nhớ Choline là yếu tố huy động mỡ, nó giúp chuyển hóa lipid mà không để tích đọng trong cơ thể heo.
Đối với heo con tăng trưởng nhanh, nhu cầu năng lượng cho mỗi kg thức ăn rất cao, do vậy cần bổ sung chất béo vào thức ăn nhất là các loại chất béo chế biến công nghiệp (như chất béo bột).
2. Glucid
Glucid là chất cung cấp năng lượng chủ lực cho cơ thể hoạt động, là nguồn cung cấp chuỗi carbon cho các phản ứng tổng hợp những chất hữu cơ khác. Mỡ heo tạo ra từ glucid thường là mỡ chắc, tạo chất béo no, vì vậy giai đoạn cuối khi nuôi heo thịt cần cung cấp glucid có trong tấm, bắp để tạo mỡ tốt cho tiêu dùng và xuất khẩu, nhưng nếu dư thừa sẽ được chuyển hóa thành mỡ dự trữ quanh thân và phủ tạng, làm cho tỉ lệ nạc trên quày thịt heo giảm đi.
Hai dạng glucid mà heo thường dùng đó là tinh bột và đường (đường glucose, lactose), còn dạng cellulose (chất xơ) thì heo tiêu hóa được rất ít qua trung gian của vi sinh vật cộng sinh ở manh tràng và ruột già để tạo ra một số vitamin nhóm B cần thiết cho heo (vì heo không có men cellulase). Tuy tiêu hóa ít nhưng trong khẩu phần của heo phải có tối thiểu 5% xơ để tạo nhu động ruột bình thường chống táo bón cho heo nhất là nhóm heo nái chửa, nái nuôi con thì sự táo bón làm xáo trộn sinh lý bình thường dẫn đến đẻ khó, kém sữa. Nhưng nếu hàm lượng chất xơ trong khẩu phần cao sẽ làm hạn chế độ tiêu hóa thức ăn, sự hấp thu dưỡng chất cũng bị giảm và làm cho dưỡng chất bị đẩy nhanh qua ống tiêu hóa gây tiêu chảy, mất dưỡng chất, hệ số sử dụng thức ăn kém, heo chậm lớn, tăng chi phí nuôi dưỡng và điều trị tiêu chảy (trường hợp này thường dùng kháng sinh là không hiệu quả vì tiêu chảy do cơ học, không do vi sinh vật gây bệnh). Chất xơ của vỏ hạt bắp ít thấm nước so với các loại chất xơ của ngũ cốc khác, chất xơ của vỏ trấu thì có gai silic bén nhọn dễ gây kích ứng đường tiêu hóa và cũng ít thấm nước, vi sinh vật cũng khó tiêu hóa, còn chất xơ của cùi bắp hay vỏ đậu phộng có thể có nhiều bào tử và độc tố nấm mốc.
Một số đường đa chuỗi ngắn như fructose oligosaccharid lại cần thiết cho sự phát triển sinh vật cộng sinh ở đường ruột, nên khi bổ sung vào khẩu phần sẽ giúp cho nhóm vi sinh vật hữu ích phát triển tốt, hạn chế sự phát triển của các vi sinh vật có hại, góp phần làm cho chất lượng thịt heo tốt hơn do không dùng kháng sinh trong thức ăn.
Glucose được cơ thể chuyển hóa thành một đường đa đặc biệt chỉ có trong cơ thể động vật gọi là glycogen, chất này chứa trong gan và bắp cơ được cơ thể nhanh chóng chuyển thành glucose để sử dụng khi cần thiết như phản xạ chống lạnh: run cơ tạo năng lượng sưởi nóng cơ thể. Glucose chứa trong máu với hàm lượng 1% và luôn cố định, nếu vượt qua ngưỡng này thận sẽ bài thải ra nước tiểu: Đó là tình trạng tiểu đường và hormon insulin và glucogon của tuyến nội tiết tụy tạng chịu trách nhiệm điều hòa lượng đường trong máu ở mức cố định. Glucose còn là chất giúp gan giải một số chất độc mà cơ thể bị nhiễm.
Vitamin B1 là chất cần thiết điều khiển sự chuyển hóa glucid trong cơ thể.
III. VITAMIN
Yếu tố hạn chế của một số thức ăn là vitamin không đủ đã làm ảnh hưởng đến việc sử dụng những axit amin khác của thức ăn đó. Để cân đối axit amin trong khẩu phần thì cần bổ sung bằng axit amin công nghiệp. Nguyên tắc bổ sung axit amin công nghiệp: chỉ bổ sung yếu tố hạn chế và bổ sung những yếu tố còn thiếu nhiều nhất trước rồi đến các yếu tố thiếu ít hơn.
Nguồn: www.countryvitamins.com
1. Vitamin A
Đây là vitamin không tan được trong nước nhưng tan trong dầu mỡ và dung môi, dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ cao, dễ bị oxi hóa ở ngoài không khí.
Là loại vitamin cần thiết cho sự sinh trưởng, sinh sản và kháng bệnh:
- Về sinh trưởng: Cần cho heo đang thời lỳ tăng trưởng, nếu khẩu phần hằng ngày thiếu sẽ làm heo chậm lớn, khả năng cho thịt giảm.
- Về sinh sản: Cần cho heo đực và heo nái trong việc sản xuất ra giao tử. Thiếu sẽ làm tinh dịch ít có tinh trùng hoặc tinh trùng có hoạt lực yếu, còn trên nái thì có ít trứng rụng, số thai đẻ sẽ ít. Nếu thiếu trầm trọng sẽ làm cho cả đàn heo con sinh ra không có tròng mắt.
- Về sự kháng bệnh: Tham gia vào chức năng dinh dưỡng biểu mô: giúp da chống sự xâm nhập của vi sinh vật gây bệnh, đồng thời giúp da và niêm mạc mau lành, giảm bớt sự xâm nhiễm mầm bệnh khi da bị tổn thương. Đây là chất cần cho thị lực, nếu thiếu sẽ dẫn đến tình trạng khô giác mạc và có thể mù mắt.
Vitamin A ở dạng caroten có nhiều trong các loại quả có màu vàng, đỏ, trong gan các loài động vật, thịt, trứng, sữa, dầu gan cá.
2. Vitamin D
Là loại vitamin hết sức quan trọng có vai trò tham gia vào quá trình chuyển hóa Ca và Phospho giúp hoàn thiện quá trình hình thành xương. Đây là yếu tố rất quan trọng đối với giống heo có năng suất cao hoặc heo sinh sản.
Nếu heo bị thiếu vitamin D thì có cung cấp nhiều Ca, P thì cũng sẽ vẫn mắc bệnh mềm xương và bệnh viêm xương cơ hóa.
Vitamin D có nhiều trong nấm và nhiều loại thức ăn rau xanh, ngoài ra nếu có chế độ vận động và tắm nắng cũng sẽ có thể cung cấp vitamin D cho heo.
3. Vitamin E
Đây là một chất chống lại hiện tượng oxy hóa các chất béo không no nằm ở màng tế bào nên thiếu vitamin E sẽ gây tổn thương tế bào: hoại tử ở gan, bắp cơ tái màu, phù nề và có thể đột tử. Chất khoáng selenium cũng có chức năng bảo vệ tế bào chống lại sự oxy hóa như vitamin E, do vậy thiếu vitamin E càng làm tăng nhu cầu selenium và ngược lại, nên việc bổ sung 2 chất này cùng lúc là rất cần thiết.
Vitamin E cũng cần thiết cho sự sinh sản, thiếu nó sẽ dẫn đến tình trạng sản xuất tinh trùng ít và hoạt lực tinh trùng kém, ở heo nái sẽ gây hiện tượng ít rụng trứng, sự định vị phôi kém nên số con sinh ra ít và heo con sơ sinh yếu.
Vitamin E có nhiều trong hoa quả chín, hạt mọc mầm và thức ăn xanh.
4. Vitamin K
Vitamin K cần thiết cho sự tổng hợp prothrombin và các chất giúp cho sự đông máu nhanh chóng, chống lại sự mất máu.
Có 3 dạng: K1, K2 , K3, cả 3 chất đều có hoạt tính như nhau.
- K1 có nhiều trong thức ăn xanh.
- K2 có nhiều trong vi sinh vật đường ruột
- K3 là dạng tổng hợp nhân tạo.
Thường thì vi sinh vật đường ruột sẽ cung cấp đủ vitamin K cho nhu cầu của heo thông qua sự hấp thu của ruột hoặc tập tính tự ăn phân của heo, nhưng nếu sử dụng kháng sinh dài ngày sẽ làm nguồn cung này mất đi.
Vitamin K là loại tan trong chất béo, thường được dự trữ ở gan.
5. Vitamin C
Đây là vitamin cần thiết cho sự tăng trưởng, sự sinh sản, sự kháng bệnh.
Cần thiết cho sự tạo thành collagene, một phần quan trọng của tất cả các mô tế bào trong cơ thể. Thiếu sẽ làm cơ xương phát triểm kém, heo chậm lớn, chậm sinh sản và gây tình trạng chảy máu cam do thành huyết quản giòn, dễ vỡ. Đối với vai trò kháng bệnh, vitamin C giúp tăng sức đề kháng để chống lại các tác nhân gây bệnh như vi trùng, virus, stress do khí hậu, chuồng nuôi. Bổ sung vitamin C ở giai đoạn cuối của heo thịt để tạo nạc với độ mềm ngon không bị rỉ dịch, tái màu, giảm mức độ stress khi vận chuyển xuất bán.
Hiện nay vitamin C được tổng hợp nhân tạo và có thể cung cấp cho heo qua đường tiêm, pha nước uống hoặc trộn thức ăn. Rau xanh cũng có một lượng vitamin C nhưng không đủ cho nhu cầu của heo đang tăng trưởng.
6. Vitamin H
Đây là chất có vai trò vận chuyển gốc CO2 của một chất này cho một chất khác. Biotin cũng cần thiết cho sự tổng hợp Purin, để tạo ra các cấu trúc ADN, ARN. Biotin cũng cần cho các phản ứng tạo ure, phản ứng cắt gốc amin của axit amin để sử dụng vào việc cung cấp năng lượng cho cơ thể khi cần thiết.
Thiếu Biotin sẽ làm heo chậm lớn, da lông xù xì xơ xác, viêm da, chân yếu, nứt móng. Đặc biệt trên heo đực sau khi phối giống, bồi dưỡng bằng trứng gà sống, lòng trắng trứng có avidin là một chất ức chế hoạt tính của biotin làm cho nọc dễ bị yếu chân, nứt móng, nhiễm trùng dẫn đến què liệt. Tuy nhiên avidin dễ bị phá hủy khi nấu chín trứng, Trên heo nái cũng bị triệu chứng tương tự nếu thiếu biotin.
Biotin có nhiều trong các thức ăn lên men, bột cá, cám gạo, tấm… và nguồn dồi dào là sản phẩm tổng hợp nhân tạo cung cấp qua các loại vitamin premix.
7. Vitamin nhóm B
Có nhiều loại Vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B5, B6, B9, B12) có tác động tốt tới thần kinh, chống tê phù và kích thích tiêu hóa. Có tác dụng giúp trao đổi đường duy trì cơ năng sinh lý bình thường. Nếu thiếu vitamin B thú sẽ kém ăn, gầy đi và dễ bị tê liệt. Trong thức ăn của heo thì cám gạo, khô dầu, mầm phôi, thức ăn xanh có chứa nhiều vitamin nhóm B.
a) Vitamin B1 (Thiamin)
Đây là loại vitamin cần cho sự chuyển hóa glucid cung cấp năng lượng cho cơ thể. Thiếu sẽ gây tình trạng thú chán ăn, chậm lớn, tổn thương hệ thần kinh, đau dây thần kinh.
Khẩu phần của heo nến sử dụng nguồn tấm, cám làm nguồn cung cấp năng lượng thì thường ít bị thiếu loại vitamin này nhưng nếu khẩu phần dùng khoai củ làm nguồn cung năng lượng thì nên bổ sung thêm Vitamin B1, nhất là ở heo nái mang thai hoặc nuôi con sẽ có những triệu chứng yếu chân, bại chân, đi không vững, đẻ chậm, thai yếu, mất sữa, chậm lên giống lại..
Vitamin B1 được tổng hợp dưới dạng Thiamin HCl khá bền hơn nguồn thiên nhiên, có thể bổ sung cho heo qua dạng Premix. Trong cá sống thường có enzyme Thiaminase có tác dụng phân cắt phân tử Thiamin thành hai phần không còn hoạt tính, vì vậy không nên cho heo ăn cá sống mà nên nấu chín.
Heo trưởng thành sử dụng nhiều glucid hơn heo nhỏ nên nhu cầu Vitamin B1 tăng cao. Tương tự ở heo thịt, nái chửa, nái nuôi con sử dụng nhiều năng lượng cũng cần nhiều Vitamin B1.
b) Vitamin B2 (Riboflavin)
Đây là vitamin cần thiết cho sự trao đổi chất để heo tăng trưởng nhanh, đồng thời cũng là sinh tố cần thiết cho sự bền vững và sự lành vết thương ở hệ thống da, niêm mạc hô hấp, tiêu hóa, sinh dục, tiết niệu… góp phần ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập tấn công cơ thể. Thức ăn lên men có chứa nhiều vitamin này. Thừa vitamin B2cơ thể sẽ bài thải qua nước tiểu nhanh chóng làm nước tiểu màu vàng, tuy không gây hại cho cơ thể nhưng làm tăng chi phí chăn nuôi vô ích.
c) Vitamin B3 (Vitamin PP)
Đây cũng là vitamin cần cho sự trao đổi chất, thiếu sẽ gây ra bệnh viêm da, tiêu chảy và có biểu hiện tâm thần. Heo càng tăng trưởng nhanh càng cần nhiều, đặc biệt là khẩu phần có nhiều bắp. Vitamin B3thường chứa nhiều trong thức ăn lên men nhưng đối với heo tăng trưởng nhanh thì các thực liệu thường không cung cấp đủ loại vitamin này cho nhu cầu.
d) Vitamin B5 (Axit Pantothenic)
Đây cũng là vitamin cần cho sự trao đổi chất, thiếu sẽ làm cho heo chậm lớn, tổn thương hệ cơ thần kinh heo có dáng đi lạch bạch yếu chân, lông da xơ xác, dễ bị tấn công bởi bệnh tật. Vitamin B5 cũng chứa nhiều trong thức ăn lên men, thức ăn gốc động vật, nhưng với heo đang tăng trưởng cần bổ sung thêm bằng nguồn tổng hợp nhân tạo có vi bọc hoặc vitamin premix.
e) Vitamin B6 (Pyridoxine)
nhiều vitamin B6. Thiếu sẽ gây chậm lớn, dễ bị bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, sinh dục. Đặc biệt vitamin này rất cần để chống ngộ độc thai nghén, chống nôn mửa, an thai, ổn định thần kinh khi vận chuyển thú đi xa. Thức ăn gốc động vật có chứa nhiều vitamin loại này, với giống heo nạc cần bổ sung thêm bằng chế phẩm tổng hợp dạng trộn với thức ăn. Thú bệnh có thể dùng chế phẩm tiêm B1B6 B12 giúp heo mau hồi phục, kích thích sự thèm ăn, kích thích sự tiêu hóa dưỡng chất, tăng cường sự chuyển hóa protein trong thức ăn thành các chất protein cho cơ thể.
f) Vitamin B9 (Axit Folic)
Đây cũng là vitamin cần cho sự tạo hồng cầu, nếu thiếu gây thiếu máu nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, số con sơ sinh trên mỗi lứa đẻ (cung cấp đủ sẽ làm tăng số con sơ sinh còn sống trên mỗi ổ) và cũng ảnh hưởng đến sức sống của heo con sau khi sinh ra. Thức ăn xanh, thức ăn gốc động vật và các sản phẩm lên men chứa nhiều vitamin loại này. Có thể bổ sung bằng nguồn tổng hợp nhân tạo hoặc vitamin premix.
g) Vitamin B12 (Cyanocobalamin)
Vitamin này cũng rất cần thiết cho sự tạo hồng cầu. Thiếu nó sẽ gây tình trạng thiếu máu trầm trọng, suy nhược, chậm lớn, cần cho sự tái tạo mô gan khi có tác nhân gây tổn thương tế bào gan. Vitamin này chỉ hấp thu được ở đoạn tá tràng của ruột non, nếu nơi này bị lãi đũa tấn công làm vùng tá tràng bị tổn thương sẽ mất khả năng hấp thu vitamin này gây thiếu máu cấp tính, suy nhược, chậm lớn.. Cho nên heo có tập tính tự ăn phân lại có nhiều vitamin B12 do sinh vật tạo ra nhưng như vậy heo dễ nhiễm ký sinh trùng, vi trùng sinh bệnh. Nuôi heo con, heo thịt trên lồng cần lưu ý thỏa mãn đủ nhu cầu vitamin này. Vitamin này có nhiều trong thức ăn gốc động vật và hầu như không có trong thực vật, ngoài ra cũng có thể cung cấp cho heo qua dạng tiêm hoặc trộn vào thức ăn theo nhu cầu hoặc theo thể trạng thiếu máu của cơ thể.
IV. KHOÁNG
1. Canxi – Phospho
Đây là 2 chất cấu tạo nên khung xương và răng của heo từ giai đoạn bào thai đến trưởng thành. Trong xương có 99% lượng canxi, và 80% lượng phospho của toàn cơ thể, trong mô mềm và thể dịch có chứa 1% lượng canxi và 20% lượng phospho của toàn cơ thể. Sự tăng trưởng của xương ở giai đoạn bào thai và giai đoạn từ sơ sinh đến 4 tháng tuổi rất quan trọng: xương tăng trưởng đến đâu hệ cơ tăng trưởng theo, do đó quyết định lượng nạc trong cơ thể heo thịt. Nếu xương phát triển chậm (nhất là xương sống, xương dài) thì heo sẽ ngắn đòn, hệ cơ kém phát triển, lượng nạc trên quày thịt thấp. Vì vậy heo càng nhiều nạc càng cần nhiều Ca và P.
Canxi rất cần cho hoạt động của bắp cơ (co duỗi) và đặc biệt trên nái sau khi đẻ nếu thiếu canxi và glucose sẽ bị sốt sữa, trong trường hợp này cần bổ sung ngay calcium gluconate thì chứng sốt sữa sẽ khỏi, nái sẽ tiết sữa trở lại. Canxi còn có vai trò hoạt hóa một số enzyme, cân bằng ion ảnh hưởng đến sự thẩm thấu của tế bào.
Còn phospho cần cho việc cấu tạo nên sợi cơ hay các cấu trúc ADN, ARN, các đơn vị năng lượng ATP, ADP, AMP, Phospholip… đây là những chất vô cùng quan trọng của sự sống, sự phân bào, sự di truyền, sự trao đổi chất.
Sự huy động Canxi – Phospho cầnsự hỗ trợ của vitamin D, thiếu 3 yếu tố Canxi – Phospho – vitamin D là nguyên nhân gây ra bệnh còi xương, heo nuôi chậm lớn, không tăng trưởng tốt, các đầu xương dài phình to, thân xương nhỏ, dễ bị cong, biến dạng, hệ cơ kém phát triển, heo suy nhược dễ bị nhiễm bệnh, tỉ lệ chết cao, chất lượng thịt kém. Nhưng sự dư thừa canxi lại gây ảnh hưởng đến sự hấp thu kẽm, thường làm cho heo bị thiếu kẽm, đồng thời cũng làm tăng nhu cầu sinh tố K.
Trong thức ăn từ ngũ cốc có chứa một lượng Phospho hữu cơ mà heo không thể tiêu hóa được nên sẽ bị thải ra ngoài theo phân và gây ô nhiễm môi trường, khắc phục tình trạng này bằng cách bổ sung enzyme phytase.
Nếu khẩu phần chỉ thiếu canxi thì dùng bột vỏ sò, bột vôi chết, bột mai mực, nếu chỉ cần cung cấp thêm phospho thì dùng sodium polyphosphate. Nếu thiếu cả hai Canxi – Phospho thì dùng monocalciphosphate (MCP) hay dicalciphosphate (DCP) hay bột xương.
Tỉ lệ Canxi – Phosphothích hợp nằm trong khoảng 1,3:1 đến 1,7:1.
2. Sodium và Chlorine (NaCl)
Đây là 2 yếu tố cần thiết để duy trì sự cân bằng áp suất thẩm thấu của tế bào. Nồng độ NaCl trong máu là 9‰ đó là nồng độ tối hảo cho tế bào hoạt động được, trên hay kém hơn nồng độ này đều gây hại cho tế bào. Sử dụng bột cá mặn trong khẩu phần với lượng muối cao vượt quá nhu cầu (0,3 đến 1% tùy theo lứa tuổi và giống heo) có thể gây ngộ độc muối dẫn tới tiêu chảy, da lông xơ xác, chậm lớn. Heo con cần ít muối hơn heo lớn, heo nái tiết sữa cần nhiều muối hơn heo nái chửa, heo giống nội thích ăn mặn hơn giống ngoại nhập.
Chlorine là chất tạo nên HCl trong dịch vị có vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn và diệt khuẩn ở dạ dày, khi thiếu HCl thú không tiêu hóa tốt thức ăn, heo ăn không ngon miệng, thường hay gặm cắn đuôi nhau chảy máu và mút máu nhau gây nhiễm trùng.
3. Magie (Mg) và Kali (K)
Đây cũng là 2 chất khoáng cần cho sự cân bằng acid-base, cân bằng ion trong máu và thể dịch.
Kali có mối tương quan nghịch với Natri trong việc điều hòa sự thẩm thấu của tế bào: nếu thể dịch nhiều K thì tế bào thải nhiều Na và ngược lại. Thiếu K làm heo biếng ăn, sự co cơ yếu, đi đứng không vững, chậm lớn, tiêu chảy, tim và thận phì đại và có thể chết. Dư K làm tim đập chậm, thận dễ bị ngộ độc và có ảnh hưởng đến sự hấp thu, sử dụng Mg. Kali có chứa nhiều trong các loại mật đường, các loại rau cỏ và thường ít bị thiếu trong các loại thực liệu làm thức ăn chăn nuôi.
Mg có mối tương quan nghịch với Ca, thừa Mg sẽ làm cơ thể mất Ca, xương trở nên mềm dễ gẫy, ngược lại thiếu Mg khi khẩu phần có nhiều Ca làm Ca tích đọng bất thường trong mô mềm. Mg cũng giữ vai trò trong việc cấu tạo xương và răng, trong sự truyền thần kinh, hoạt hóa enzyme peptidase trong việc tiêu hóa protein, là thành phần quan trọng trong sự biến dưỡng tế bào (liên quan đến những enzyme xúc tác các phản ứng tạo ATP, ADP). Mg có nhiều trong cám gạo, cám lúa mì, bột xương, rau cỏ, bánh dầu mè, bột đầu tôm nên thức ăn cho heo thường cung cấp đủ Mg cho nhu cầu.
4. Lưu huỳnh
Heo thường sử dụng nhóm Lưu huỳnh hữu cơ như methionine, cystine, cystein, thiamine, biotin… Các chất này góp phần tạo protein, hormone, hương vị protein trong thịt khi xào nấu, giúp điều hòa hoạt động trao đổi chất của cơ thể và có nhiều trong lông và móng heo. Lưu huỳnh ở dạng vô cơ thường độc nên heo không có khả năng sử dụng dạng này để tổng hợp nên các axit amin vừa kể trên, nhưng nếu khẩu phần có cung cấp đủ methionine, cystine, cystein, thiamine, biotin… thì cơ thể sẽ không bị thiếu Lưu huỳnh.
5. Sắt (Fe)
Đây là khoáng vi lượng cần thiết để tạo huyết sắc tố của hồng cầu, nên thiếu Fe là thiếu máu. Heo chỉ sử dụng Fe có hóa trị 2.
Heo con nuôi trên sàn 10 ngày tuổi thường bị thiếu sắt vì sữa mẹ không cung cấp đủ Fe mặc dù heo mẹ có thể đã được cung cấp một lượng Fe dư và điều này thường dẫn đến tình trạng heo mẹ bị ngộ độc Fe.
Thiếu Fe làm heo chậm lớn, tiêu chảy, da lông xơ xác, giảm khả năng sinh sản, dễ bị stress, dễ nhiễm bệnh. Thừa Fe cũng gây ngộ độc máu và làm gia tăng nhu cầu Phospho.
Fe có chưa nhiều trong các thức ăn thông thường của heo như bột cá, bột huyết, ngũ cốc, bột thịt, bột xương..
6. Đồng (Cu)
Đây là một loại khoáng cần thiết cho việc tạo hồng cầu, tạo các loại enzyme quan trọng trong cơ thể và là yếu tố kích thích sự tăng trưởng, tăng sức đề kháng của cơ thể. Thiếu Cu sẽ gây thiếu máu, heo chậm lớn, da lông xù xì, hiệu quả sử dụng thức ăn kém, sức kháng bệnh kém, tăng chi phí thức ăn và điều trị bệnh.
7. Kẽm (Zn)
Đây là một chất khoáng vi lượng có vai trò quan trọng trong sự sinh trưởng của heo. Kẽm tham cấu tạo của một số enzyme cần cho sự biến dưỡng protein, carbonhydrate và lipid.
Nhiều yếu tố liên quan đến sự hấp thu Zn như: Cu, Acid phytic, Ca.. Khẩu phần có nhiều acid phytic, nhiều Ca sẽ gây thiếu Zn trên heo với những biểu hiện viêm da sừng hóa. Heo đực giống cần nhiều kẽm hơn heo nái và heo nuôi thịt, nái mang thai, nái nuôi con cần nhiều kẽm hơn nái khô.
8. Mangan (Mn)
Đây là chất khoáng vi lượng có vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng vì nó góp phần vào việc tăng trưởng hệ cơ xương, thiếu sẽ làm xương biến dạng, nhỏ, cong vẹo, heo chậm lớn, và tỉ lệ nạc trên quày giảm, heo nái sinh ra con có vóc dáng nhỏ, heo đực giảm năng suất. Mn có nhiều trong cám gạo, cám mì, rau cỏ, bột cá và premix.
9. Iod (I2)
Đây là yếu tố cấu tạo nên kích thích tố tuyến giáp trạng (Thyroxine), hormon này chi phối hoạt động trao đổi chất trong cơ thể. Thiếu Iod làm cho tuyến giáp trạng tăng sinh tế bào để tăng khả năng lọc iot trong máu và sự phì đại này gây bướu cổ, heo có xu hướng chậm lớn, tích mỡ, nạc ứ nước kém chất lượng, da lông xơ xác, trên nái xảy ra tình trạng tiêu phôi, thai chết khô, xảo thai, chu kỳ động dục bất thường, heo con sơ sinh không có lông, heo đực giống giảm tính hăng và phẩm chất tinh dịch kém, độ thụ tinh thấp. Dư Iod thì cường độ trao đổi chất quá mạnh heo tiêu hao nhiều năng lượng làm heo gầy còm, thịt khô, sợi cơ dai, nếu quá dư iot thì sẽ gây ngộ độc, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng và sinh sản (chậm lớn, xảo thai..). Thiếu iot và vitamin A cùng lúc sẽ làm trầm trọng thêm những tổn hại cho heo nuôi. Vì vậy việc bổ sung Iod sao cho vừa đủ nhu cầu là điều rất cần thiết.
KI là dạng vô cơ thường được sử dụng nhiều trong chăn nuôi.
10. Selenium (Se)
Đây là loại khoáng vi lượng có vai trò quan trọng trong việc chống lại tác hại của các gốc tự do phát sinh trong cơ thể. Thiếu Se sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của hệ cơ, gây ra bệnh cơ trắng tương tự như thiếu vitamin E. Vì vậy việc nuôi heo thịt cao sản cần cung cấp đủ cả 2 yếu tố này để đảm bảo thịt ngon. Tuy nhiên nếu vượt quá nhu cầu sẽ gây ngộ độc làm heo suy nhược, chán ăn, chậm lớn, dễ nhiễm bệnh và gia tăng chi phí sản xuất. Việc pha trộn không đều trong thức ăn dễ dẫn đến sự ngộ độc.
11. Chromium (Cr)
Đây là một vi khoáng có vai trò kích hoạt hormone insuline của tuyến tụy để làm hạ lượng đường trong máu, gia tăng sử dụng đường glucose ở tế bào và do đó giảm sự tích mỡ, tăng lượng nạc của toàn quày thịt. Nếu heo thịt khỏe mạnh, hoạt tính insuline tốt, bổ sung Cr sẽ cho kết quả không rõ ràng mà chỉ làm tăng chi phí sản xuất.
12. Fluor (F)
Đây là một chất khoáng cần thiết cho sự phát triển bền vững của xương và răng, thiếu Fluor làm cho xương và răng mềm, nếu dư cũng sẽ làm xương và răng dễ gãy hoặc gây viêm nướu răng.
Fluor có nhiều trong đất, nó có thể hòa tan vào nước hoặc mô thực vật gây tình trạng ngộ độc cho động vật và người.
Fluor có nhiều trong bột cá và thường thì không cần bổ sung vào thức ăn. Cần chú ý khi dùng bột xương còn chưa nấu chín thì hàm lượng Fluor còn cao sẽ gây ngộ độc hoặc sẽ làm thú chán ăn.
Nguồn: www.naipet.com